Trong những dự án thiết kế- thi công nội thất ngoài việc cung cấp các thiết kế phối cảnh, người làm thiết kế sẽ cần cung cấp bộ hồ sơ thiết kế cơ sở để từ đó triển khai các hạng mục thi công chi tiết, đồng thời sẽ căn cứ vào hồ sơ này để thực hiện các bước sau này, như xin cấp phép, kiểm tra thông tin chi tiết dự án…
Dưới đây là lời khuyên dành cho những bạn mới bắt đầu thực hiện các bản vẽ triển khai thiết kế nội thất, một vài điều từ kinh nghiệm cá nhân mong rằng có thể giúp ích cho các bạn.
HỒ SƠ TRIỂN KHAI THIẾT KẾ CƠ SỞ LÀ GÌ? Ý NGHĨA TRONG CÁC DỰ ÁN THIẾT KẾ - THI CÔNG NỘI THẤT
Hồ sơ triển khai thiết kế sẽ là một phần không thể thiếu trong nhiều loại dự án thiết kế, từ các dự án nhỏ như thiết kế căn hộ chung cư, nhà ở, đến những dự án lớn như khách sạn, biệt thự, văn phòng… để triển khai thi công được thuận lợi thì bộ hồ sơ thiết kế cần cung cấp nhiều thông tin nhất có thể về diện tích, các hạng mục hiện trạng, các hạng mục thi công mới, kích thước – thông số của các phần trang trí… mỗi dự án sẽ có những thông tin đặc thù riêng, người thiết kế phải nắm được nhiều nhất các thông tin trong dự án để tránh thiếu sót ảnh hưởng đến tiến độ của các bước sau này.
Bộ hồ sơ thiết kế cơ sở sẽ được sử dụng cho các bộ phận liên quan như : mua hàng, giám sát, thiết kế, kế toán, và sau này sẽ được bàn giao cho khách hàng khi dự án đã hoàn thiện. Vì vậy, các thông tin trong hồ sơ cần cung cấp đủ và đúng, mọi thay đổi cần được cập nhật kịp thời trong thời gian thực hiện dự án.
2. NHỮNG KHÓ KHĂN THƯỜNG GẶP KHI LÀM HỒ SƠ TRIỂN KHAI THIẾT KẾ CƠ SỞ
Với những bạn mới bắt đầu tham gia thiết kế thì việc thực hiện hồ sơ triển khai là một phần khá khó khăn và dễ xảy ra sai sót, đây là những nội dung ít được nhắc đến trong chương trình học đại học.
Các chương trình đào tạo hiện nay định hướng nhiều đến concept thiết kế, cách thể hiện thiết kế đẹp mắt, định hướng hình ảnh và thẩm mỹ nhiều hơn, vì vậy khi bước vào các dự án thực tế các bạn mới làm sẽ dễ cảm thấy chán với việc tính toán số liệu, đảm bảo hồ sơ đúng và đủ đã là khó, chưa kể còn bị giới hạn về thời gian tiến độ, nhà cung cấp và ngân sách của dự án. Điều này giải thích cho việc các dự án thực tế luôn khó có thể bay bổng và lộng lẫy như các đồ án học tập. Trong các dự án thực tế luôn có nhiều điều kiện ràng buộc thiết kế mà bạn khó có thể tránh khỏi.
Một số công ty thiết kế có chia ra nhiều bộ phận, mỗi bộ phận sẽ làm những mảng khác nhau, người thiết kế có thể chỉ cần lên ý tưởng, hoặc thực hiện các bản vẽ phối cảnh, nhưng lời khuyên tôi dành cho các bạn đó là: nếu có thể bạn nên nắm rõ các chi tiết thi công, hình thức thực hiện, các thông số cơ bản của các loại vật liệu thường dùng, có thể thực hiện được các dạng bản vẽ triển khai cơ bản… càng hiểu rõ chi tiết bạn càng đảm bảo thiết kế của bạn sẽ được thể hiện đúng nhất theo ý tưởng ban đầu, đồng thời có thể kiểm tra tiến độ của các bộ phận liên quan.
3. CÁCH ĐỂ THU THẬP THÔNG TIN VÀ THỰC HIỆN BẢN VẼ TRIỂN KHAI NỘI THẤT
Để thực hiện bộ bản vẽ triển khai nội thất đúng và đầy đủ bạn cần thu thập thông tin đầy đủ trước khi thực hiện, một vài lời khuyên để bản bắt đầu như sau:
Tham gia nhiều dự án sẽ giúp bạn có nhiều trải nghiệm về nhiều loại dự án khác nhau
Những bản vẽ triển khai phụ thuộc nhiều vào nhà cung cấp, loại vật liệu sử dụng vì vậy hãy kiểm tra trước các thông số sản phẩm trước khi thực hiện
Kết nối nhiều với những người đang làm trong lĩnh vực bạn đang làm cũng là một phần rất cần thiết, từ đó bạn có thể tham khảo được các dự án trước đó và tìm được các thể hiện phù hợp nhất với dự án của bạn
Nếu bạn đang làm việc cho các công ty có bộ phận triển khai hãy tham khảo thông tin ở những bộ bản vẽ triển khai trước đó của công ty để hiểu thêm về cách thức thực hiện và hình thức thể hiện bản vẽ.
Đặt bản thân ở vị trí khách hàng – người sử dụng để tìm thấy những chi tiết cần thiết phục vụ cho nhu cầu sử dụng, hoặc đem lại lợi ích sử dụng ( dùng được lâu dài, tiện dụng, phù hợp với độ tuổi người dùng…)
Luôn nhớ trách nhiệm của người thiết kế, hãy có cái nhìn tổng quan từ nhiều phía để có thể có những cân nhắc và thay đổi phù hợp, từ phía thi công – nhà cung cấp đến phía người sử dụng, đưa ra những quyết định kịp thời và thông tin dễ nắm bắt.
Thể hiện thông tin vừa đủ, ngược lại với những bạn làm việc xảy ra nhiều sai sót thì có những bạn thể hiện quá nhiều thông tin không cần thiết trong bộ bản vẽ triển khai, điều này chỉ làm mất thời gian và không giúp ích gì cho quá trình thi công sau này.
Điều quan trọng là bạn phải luôn có tinh thần học hỏi và cố gắng, có thể bằng nhiều cách như ghi chép những thông tin quan trọng, gặp gỡ thật nhiều người, tham gia vào quá trình thi công thực tế, làm việc ở công ty thiết kế lớn,… chỉ cần bạn có đủ kiến thức và trải nghiệm thực tế thì bạn sẽ có nhiều tự tin khi làm việc, điều này đúng với tất cả các ngành nghề không phải riêng ngành thiết kế nội thất.
Để có được khả năng làm việc tốt bạn đừng sợ việc gặp một vài sai sót trong quá trình thực hiện, không ai có thể làm việc mà không xảy ra thiếu sót nào. Nhưng không có nghĩa là bạn có thể làm việc thiếu trách nhiệm, hãy cố gắng nhiều nhất trong khả năng, kiểm tra nhiều lần mỗi bản vẽ triển khai.
4. HỒ SƠ TRIỂN KHAI THIẾT KẾ CƠ SỞ BAO GỒM NHỮNG THÔNG TIN GÌ?
Tuỳ dự án thiết kế sẽ có những yêu cầu khác nhau về hồ sơ thiết kế, và tuỳ loại hồ sơ thiết kế dùng cho mục đích nào, ví dụ hồ sơ dùng để thi công nội bộ sẽ khác hồ sơ xin phép xây dựng hoặc hồ sơ xin phép với toà nhà chung cư, toà nhà văn phòng… Với những hồ sơ dành cho thi công bên trong các toà nhà lớn sẽ phải tuân thủ theo những qui định chung của toà nhà, hồ sơ dành cho thi công nội bộ cần thể hiện nhiều nhất các thông tin về kích thước, diện tích, số lượng nội thất, mã vật liệu… càng cụ thể càng tránh sai sót trong quá trình thi công.
Dưới đây là nội dung hồ sơ triển khai thiết kế cơ sở dành cho một cửa hàng trong trung tâm thương mại (lưu ý: các thiết kế trong trung tâm thương mại luôn phải đáp ứng các qui định chung của toà nhà về chiều cao vật dụng nội thất, chiều rộng lối đi, các vật liệu đúng quy chuẩn…)
Danh mục bản vẽ
Mặt bằng hiện trạng
Mặt bằng bố trí nội thất mới (có kích thước lối đi và khoảng cách giữa các vật dụng nội thất)
Mặt bằng sàn (Ghi chú phần làm mới, mã vật liệu, thông số vật liệu)
Mặt bằng trần (Ghi chú phần làm mới, vị trí các thiết bị trần gồm đèn, thiết bị điện lạnh, thiết bị báo cháy…)
Mặt bằng định vị đèn (Ghi chú loại đèn và công suất từng loại)
Các Mặt đứng (Có thông số chiều cao cụ thể)
Chi tiết vách trang trí (Chi tiết vị trí trang trí, thông số, mã vật liệu trang trí)
Mặt bằng định vị vách mới (các vị trí sẽ thi công vách mới, ghi chú loại vách, có mặt cắt chi tiết)
Danh mục tổng hợp vật liệu (Thông số, mã vật liệu, diện tích thi công)
Tuỳ vào yêu cầu của khách hàng những bản vẽ sau có thể cần thiết trong bộ bản vẽ triển khai
Mặt bằng định vị ổ cắm (Ghi chú chiều cao)
Mặt cắt các vị trí thi công mới (Thể hiện cách lắp đặt)
Chi tiết thiết kế các hạng mục quan trọng ( Bảng hiệu, Logo,…)
Mặt bằng vị trí sơn tường ( Sử dụng trong trường hợp có nhiều vị trí sơn mới cần định vị rõ để tránh thiếu sót trong quá trình thi công)
Các loại bản vẽ khác theo yêu cầu
Hình thức thể hiện các bản vẽ triển khai cơ sở, các bản vẽ thường được thể hiện ở khổ A3, có khung tên đầy đủ các thông tin về dự án, người thực hiện bản vẽ, người duyệt, vị trí ký tên đóng dấu…
Bản vẽ được in trắng đen hoặc in màu các nội dung cần làm nổi bật giúp nhà thầu hoặc các bộ phận khác dễ nắm bắt thông tin chi tiết.
*DỰ ÁN ĐƯỢC THỰC HIỆN BỞI NADA DESIGN STUDIO
*Người thực hiện : Nguyen Tien
コメント